Nguyệt San Số 9


Tết trong tù Cộng Sản

Tác giả: Nguyễn Đình Lang
Thể loại: Quê Hương   

       Tết Nguyên Đán sắp đến rồi, đồng bào ta đang tị nạn tại các quốc gia trong khối tự do không làm sao quên được các thân nhân, bạn bè nguyên là những chiến sĩ dũng cảm của QLVNCH đang thoi thóp trong các trại cải tạo của Cộng Sản tại quê nhà. Tâm trạng của họ giờ đây cũng như tâm trạng của các sĩ quan và binh sĩ quốc gia bị bắt làm tù binh và giam cầm tại miền Thượng Du Bắc Việt trong những năm 1952, 1953, 1954, và năm 1955. Tôi nhấn mạnh năm 1955 là vì mặc dù Hiệp Định Genève quy định hai bên ngưng bắn ngày 20-7-1954, phải trao trả tù binh trong vòng 2 tháng nhưng Việt Minh còn cầm giữ các sĩ quan Quốc Gia, đến tháng 7-1955 mới tuyên bố giải tán trại tù binh C.100 tại Thái Nguyên.
      Để mở đầu, tôi xin chép lại bài thơ được truyền tụng trong hàng ngũ anh em tù binh hồi đó tạm đề tựa là:

 CẢM TÁC  
Buồn quá đi thôi núi vây quanh,
Suốt ngày trân tráo một màu xanh.
Lưng trời ghép chặt trên rừng rậm,
Thung lũng nằm trơ chói nắng hanh.
 Đợi chờ* khó chịu quá đi thôi,
Đêm đến ngày đi biết mấy rồi.
Nhìn áng mây mờ trôi lủng lẳng,
Ta nghe trong thịt máu bừng sôi.
Chiều nay núi vẫn trơ màu biếc,
Khe vẫn ngân nga một giọng đều.
Rừng vẫn buồn buồn như luyến tiếc,
Trời ơi ấm ức biết bao nhiêu !
* Đợi chờ: Tức chờ ngày được phóng thích mà bọn cán bộ thường nói tới khi đề cập đến “lượng khoan hồng” của Hồ Chủ Tịch, đảng và chính phủ (sic).  

     Đây là cái Tết thứ ba mà tôi đang chuẩn bị đón chào theo chỉ thị của Ban Chỉ Huy trại.
     Quý vị cứ hình dung một khu nhà tranh vách nứa nằm giữa rừng sâu, không có kẽm gai bao quanh (không phải vì Cộng Sản nhẹ tay đối xử với tù binh, mà vì chúng không có kẽm gai mà rào), bốn bề rào bằng tre nứa đan mắt cáo, bên cạnh là khe suối nước chảy róc rách tối ngày (không phải thơ mộng như trong bản nhạc “Suối Mơ” của Văn Cao mà suối này ai lội qua có thể rụng lông chân vì lòng suối dầm lá han nên nước trở nên độc địa), còn một bên hông là núi đồi trùng điệp, đằng xa là đỉnh Tam Đảo, còn gần đây là muỗi và vắt khủng khiếp (tôi nói khủng khiếp là vì ai có biết con vắt mới thấy cái kinh tởm của nó, mình vừa đặt chân tới bìa rừng là hàng trăm ngàn con vật li ti, nhỏ như cọng nhang, khi nó đói và to bằng mút đũa khi nó hút máu người no nê, giương mình búng đi tìm da thịt mình như con đĩa đói).

     Nói tới rừng, tôi cũng có cảm hứng làm một bài thơ:

 RỪNG VIỆT BẮC  
Rừng Việt Bắc bao la hùng vĩ (1),
Rừng Việt Bắc huyền bí thiêng liêng.
Đây, nơi ẩn thân người chí sĩ,
Đây, nơi nghiêm trị kẻ tù đày.
Ta bảo mi là bạn
Nơi căn cứ cách mạng (2)
Nung đúc chí anh hùng
Cờ khởi nghĩa phất tung
Giữa mùa thu lịch sử
Ta bảo mi là thù
Nơi rừng núi âm u
Giam cầm người tù tội
Và trong giờ sám hối (sic)
Hàng trăm bịnh giày vò.
1. Việt Bắc là danh từ của Cộng Sản gọi miền Thượng Du (xứ Thái và dân thiểu số) gồm các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang coi như là chiến khu trong thời đánh Pháp.
2. Cách mạng đây ám chỉ ngày 19 tháng 8 năm 1945 (Việt Minh cướp chính quyền).  

        Tôi sẽ trở lại nói chuyện về rừng Việt Bắc sau này, bây giờ đề cập vào việc Tết giải phóng cái đã. Nhưng trước hết phải nói qua về thành phần tù binh trong trại C.100 này. Các vị có thể hình dung đó là những chàng trai tuổi 20, vừa tốt nghiệp Khóa 1, Khóa 2 Sĩ Quan Trù Bị Nam Định và Thủ Đức, các sĩ quan thâm niên hơn xuất thân từ Khóa 1 tới Khóa 6 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, lại có cả một bác sĩ quân y và cũng phải kể các Trung Đội Trưởng được đào tạo cấp tốc tại Bắc Việt cho các đơn vị Địa Phương Quân. Họ đến từ khắp các chiến trường, có bạn từ Kontum, Ban Mê Thuộc (lặn lội 2 tháng qua dãy Trường Sơn để tập trung về đây hoặc từ Mặt Trận Tây Bắc - Nghĩa Lộ, Lai Châu, Mộc Châu, Nà Sản, hoặc từ các trận công đồn ở đồng bằng, từ các trại ở Thanh Hóa chuyển ra, hoặc sốt dẻo hơn là trận Điện Biên Phủ đưa về. Không biết đây là “thượng sách” hay “hạ sách” của Việt Minh khi tập trung tất cả các sĩ quan về ở chung một trại, vì trước kia họ giam sĩ quan chung với hạ sĩ quan và binh sĩ ở rải rác khắp nơi: một trăm người tất cả. Một sự tình cờ ngộ nghĩnh là bọn Việt Minh đặt tên trại là C.100 (theo VM thì A là Tiểu Đội, B là Trung Đội và C là Đại Đội). Khi gặp nhau trong hoàn cảnh sa cơ thất thế này, họ cảm thấy thương yêu nhau hơn bao giờ hết, thật đúng nghĩa bốn chữ “huynh đệ chi binh”.

      Còn 3 tháng nữa mới đến Tết, thế mà cán bộ đã phát động THI ĐUA, thi đua mọi mặt để lập thành tích dâng lên cho Hồ Chủ Tịch, Đảng và chính phủ gọi là để chào mừng Xuân Mới. Các khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”, “Hồ Chủ Tịch muôn năm”, “Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm” v.v... được kẻ bằng mực đỏ hay sơn đỏ tươi như máu và treo la liệt khắp nơi. Ở đâu và lúc nào các khẩu hiệu đó cũng dán vào mắt tù binh. Và kể từ ngày đó, mỗi người phải làm việc gấp hai, có khi gấp 3 ngày thường, làm ban ngày chưa đủ còn phải tranh thủ làm đêm, làm luôn cả ngày Chủ Nhật nữa. Chắc quý vị sẽ hỏi: “Ở tù mà làm cái gì?”. Phải biết tù binh trong tay V.M. không giống như tù binh mà QLVNCH giam giữ ở Phú Quốc (tức được ăn no, ngủ kỹ, mặc ấm lại chẳng phải làm gì động móng tay) mà phải làm lao động tận lực trong lúc trời Đông giá rét, ăn chẳng được no, áo quần rách tả, rách tơi, làm việc cho tới khi kiệt quệ ngã xuống mới thôi. Tùy theo khả năng chuyên môn của từng người, cán bộ phân tù binh ra từng tổ: nào là tổ dệt chiếu, tổ đan rổ, đan thúng, tổ làm canh nông phá rẫy trồng sắn, trồng ngô, vừng hay lúa, sau hết các tay cầm viết không có nghề ngỗng gì thì bổ sung vào tổ đi làm thuê cho dân làng hoặc làm cỏ lúa, bắt cua hay gánh thóc thuế nông nghiệp đi nộp vào kho nhà nước. Sau phần công tác lao động là học tập và kiểm thảo. Ôi thôi, không biết bao nhiêu đề tài để học, đêm nào cũng tập trung lên hội trường để nghe cán bộ nhồi sọ, nào là “Chủ trương đường lối của Đảng”, nào “Lượng khoan hồng của Hồ Chủ Tịch”, nào “Căm thù thực dân đế quốc”, nào “Chính sách cải cách ruộng đất”, nào “Vô cùng thương tiếc đại đồng chí Sít-ta-lin” v.v... và hội trường vừa giải tán xong là trở về lán (chỗ ngủ) để họp tổ thảo luận để tổ trưởng biên chép mang nộp cho ban Chỉ Huy trại xong xuôi thì tù binh mới được quyền ngã lưng. Lúc bấy giờ ít nhất đã là nửa đêm, gà đã gáy canh hai rồi, anh em mệt quá ngủ thiếp đi không còn sức đâu nghĩ tới gia đình và cũng quên đi cái lạnh cắt da, cắt thịt ở vùng núi Việt Bắc. Ngủ chưa đã giấc thì một hồi kẻng vang lên, anh em phải chỗi dậy chạy ra sân sắp hàng tập thể dục và bắt đầu một ngày lao động mới. Học tập không chưa đủ dằn vặt đầu óc tù binh, cán bộ còn bày trò kiểm thảo, hay nói đúng ra là bắt tù binh làm tờ thú tội vì khẩu hiệu đã được vẽ trong vách “người nói không có tội, người nghe sửa mình”, tờ thú tội đó sẽ được chính mình đọc lớn trước tổ để được anh em nghe và phê bình, nếu lời khai còn thiếu sót chỗ nào mà có người biết và bổ túc cho thì cán bộ sẽ đánh giá mình là chưa thấm nhuần chính sách, chưa thành khẩn bộc lộ sai lầm, hay nói cách khác là mình bị ghép vào thành phần ngoan cố chưa xứng đáng được hưởng lượng khoan hồng và như vậy ngày phóng thích mà mình hằng chờ đợi lại càng lùi xa hơn nữa. Đến đây tôi xin mở ngoặc, nếu không có thỏa ước Genève và ngưng bắn năm 1954 thì 100 anh em chúng tôi đã rục xương trong tù.

      Tưởng cũng nên biết qua, trong gần 3 năm bị giam cầm, Ban Chỉ Huy trại đã bắt chúng tôi khai lý lịch trên 10 lần, có lẽ họ muốn coi mình khai có thành thật không, trước sau có giống không, hoặc để họ căn cứ vào đó mà quy định thành phần mình thuộc loại nào, trí thức, tiểu tư sản, địa chủ hay bần cố nông để tùy theo loại mà trừng trị. Còn thi đua với kiểm thảo thì không biết cơ man nào mà kể. Mỗi lần thi đua là có kiểm thảo để gọi là lấy thành tích chào mừng các Ngày Kỷ Niệm hay Lễ Lớn như “Kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao Động”, “Ngày Quốc Tế Lao Động”, “Ngày Sinh Nhật Hồ Chủ Tịch”, “Cách Mạng Tháng Tám”, “Lễ Độc Lập” và “Tết Nguyên Đán”.

Sau hết phải nói tới phần ẩm thực vì nó là động cơ thúc đẩy mọi hoạt động: suốt năm ăn đói, thiếu chất mỡ, chất ngọt và cả chất mặn nữa. Ngày thường tù binh ăn uống rất thiếu thốn, thường là cơm độn với sắn (khoai mì) hay ngô (bắp) nhưng gạo rút từ 500g mỗi ngày xuống còn 300g (tức một chén cơm) nên ai cũng thèm lạt vì thức ăn chỉ có rau muống chấm tương hay bí rợ nấu muối hay cà chua nấu loãng làm canh, thịt cá thì đừng nghĩ tới, chỉ có bộ đội hay cán bộ được hưởng theo từng tiêu chuẩn “Tiểu táo”, “Trung táo” hay “Đại táo” mới có thứ đó mà xơi.

      Vì vậy tù binh chỉ mong mau tới Tết để ăn thịt một lần (cho có chớ không phải cho đã), mà đó là thịt trâu. Kho cũng thịt trâu, xào cũng thịt trâu, canh cũng thịt trâu. Ngày Mồng Một được no nê một bữa, nhưng từ Mồng Hai đến Mồng Mười chỉ ăn cơm với muối vừng (mè) vì tiền chợ mười ngày dồn vào con trâu hết rồi. Tuy nhiên không phải có tiền mà được ăn thịt, vì muốn ăn thịt phải có phép của Thượng Cấp, tù binh không có quyền thụ hưởng như bộ đội hay cán bộ, cho treo mỏ là một hình thức trả thù, vì Cộng Sản cho tù binh sĩ quan là thành phần “ngồi mát ăn bát vàng” hoặc “chỉ tay năm ngón” ngày xưa. Nhưng muốn ăn ngon miệng một bữa, thì trước hết tù binh phải ca tụng chế độ bằng mọi hình thức văn nghệ. Ai cũng làm một câu vè, một bài thơ hay viết một vở kịch có nội dung căm thù giai cấp, mạt sát Quốc Gia, đề cao Cộng Sản, thậm chí có câu vè như thế này của cán bộ mớm lời được hò lơ cả chục lần trong một buổi học tập:

Câu vè là:
Bảo Đại mày dại làm sao,
Nửa đêm dắt mẹ xuống ao ăn bèo.
Cán bộ văn công dạy tù binh hát những bài hát lai căng, nhưng tù binh cũng phải hát cho làu mà trong bụng thì chẳng ưa gì:
Đông phương Hồng, mặt trời lên
Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông
Với muôn dân, người là cứu tinh
Tang tính tang tình. Dân ấm no. Người mưu Hòa Bình.
       Bài Quốc Tế Ca (Internationale) được phổ bằng tiếng Việt, bài ca ngợi Xít-ta-lin và ca ngợi Kim Nhật Thành cũng được phổ biến sâu rộng.
      Riêng tù binh cũng sáng tác, lời lẽ không thể làm vừa lòng cán bộ được, nên chỉ lén lút truyền khẩu giữa anh em với nhau. Đây là một bản nhạc do Trung Úy Thụ sáng tác trong dịp Tết cuối cùng (1955) hy vọng ngày phóng thích gần kề:
Rời rừng xanh sâu
ta tiến về nơi Thủ Đô
Cuộc đời âm u,
giờ phút phân ly không vương sầu,
Một trời màu xanh, cây bao la rừng hoang tối tăm.
Chúng ta vui đi về, cố đô, nơi quê hương nhà...
Từ lâu, ta nuốt bao nhiêu hận căm thù,
Cuộc đời thanh niên ta tối tăm vì đâu.
Đời vui sao có bao nhiêu biệt ly
Đã qua bao nhiêu ngày rừng hoang
Ồ ô!

     Tức cảnh thành thi.
      Mặc dù là cảnh buồn, nhiều nhà thơ bất đắc dĩ xuất hiện chuyền nhau đọc cũng thấy an ủi phần nào, như bài dưới đây do tôi sáng tác:

 RỜI RỪNG  
Chắc ta sắp lìa mi rừng ạ,
Về xóm làng thị xã miền xuôi.
Ba năm chia ngọt xẻ bùi,
Ra đi lòng những ngậm ngùi nhớ thương.
Rừng với ta ngày nào quen biết,
Buổi công đồn quyết liệt: tù binh.
Bước đầu trong cuộc phiêu linh,
Nhìn nhau sợ hãi, lặng thinh đi vào.
Rừng khẽ bảo, cớ sao mà sợ,
Rằng đôi ta như vợ với chồng.
Suối trong ngụm nước mát lòng,
Củi đây người đốt, đêm đông sưởi cùng.
Nào những buổi, lên rừng chém nứa,
Đẵn gỗ về cất lán, làm sàn.
Làm phênh, đập nứa ta đan,
Cắt tranh về lợp trang hoàng nhà ta.
Rời rừng Việt Bắc hôm nay,
Về xuôi ôn lại những ngày tối tăm.
Những ngày đau khổ âm thầm,
Lê đời tù tội ba năm vừa tròn.

TỰ THÁN  
Ất Mùi Năm Mới đến nơi rồi,
Tết nhất làm chi khổ thân tôi.
Ra đi đất Bắc tôi lầm tưởng,
Cảnh đẹp người xinh đón rước tôi.
Nào hay sau, trước vừa ba tháng,
V.M đánh “bốt” bắt tù rồi.
Cuộc đời chìm nổi đâu cứ mãi,
Quả đất tròn kia cũng có ngày.

     Và ngày ấy là ngày tôi còn sống, tôi ngồi ghi lại mấy dòng này để các bạn đồng hương đọc mà thương những người đã, hoặc đang ngậm hờn nuốt tủi trong ngục tù Cộng Sản.
Paris, Giáng Sinh 1977
            Nguyễn Đình Lang
            exDL0 (5eGAVN)